Trong thời gian gần đây, trên địa bàn thành phố Vinh – Nghệ An trở nên xôn xao vì nhiều video clip được đưa lên mạng có nội dung trẻ vị thành niên vô tư điều khiển các phương tiện như ôtô, xe máy lưu thông trên đường. Điều đáng nói ở đây là hành vi này còn được tiếp tay bởi các bậc phụ huynh. Có thể, họ đã không biết rằng việc để người chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện tham gia giao thông không chỉ gây ảnh hưởng mất trật tự An toàn giao thông mà còn là 1 hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng.
Tại Điều 60 Luật Giao thông đường bộ quy định về độ tuổi, sức khỏe lái xe tham gia giao thông quy định:
- Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3;
- Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50 cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg; xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi;
- Người đủ 21 tuổi trở lên được lái xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải từ 3.500 kg trở lên; lái xe hạng B2 kéo rơ moóc (FB2);
- Người đủ 24 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi; lái xe hạng C kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc (FC);
- Người đủ 27 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi; lái xe hạng D kéo rơ moóc (FD);
- Tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi là 50 tuổi đối với nữ và 55 tuổi đối với nam.
Người lái xe phải có sức khỏe phù hợp với loại xe, công dụng của xe. Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô và quy định về cơ sở y tế khám sức khoẻ của người lái xe.
Như vậy, theo quy định của pháp luật, việc để cho trẻ vị thành niên điều khiển các phương tiện tham gia giao thông đã là 1 hành vi vi phạm pháp luật về an toàn giao thông đường bộ, mà cả người điều khiển phương tiện cũng như phụ huynh đều có thể phải đồi mặt với sự truy cứu của pháp luật.
Trong buổi phỏng vấn của đài NTV, Ls. Lê Thị Kim Soa cũng đã trả lời về vấn đề này.
“Đối với trường hợp cho trẻ điều khiển phương tiện giao thông, họ sẽ phải chịu sự phạt hành chính theo Nghị định 171/2013/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung theo nghị định 46/2016/NĐ-CP. Riêng đối với trường hợp trẻ trên 16 tuổi dưới 18 tuổi mà gây ra tai nạn giao thông trong những trường hợp đó sẽ bị xử lý hình sự theo Khoản 3 Điều 202 Bộ luật Hình sự năm 1999 với mực án từ 7 năm đến 15 năm. “
Cũng trong vấn đề này, Luật sư cũng cho biết các bậc phụ huynh, hay người tạo điều kiện cho trẻ tham gia giao thông mà gây ra tai nạn cũng sẽ bị liên đới chịu trách nhiệm bồi thường dân sự theo Luật Dân sự.
Như vậy, ta có thể thấy việc để trẻ vị thành niên điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi vẫn còn chưa hiểu biết, nắm rõ được khả năng của mình không chỉ là 1 hành vi gây mất trật tự an toàn giao thông, ảnh hưởng đến sức khỏe, tài sản, tính mạng mà còn là 1 hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng,
Thiết nghĩ, các bậc phụ huynh cần phải nhanh chóng xem đây là 1 bài học cảnh tỉnh để tỉnh táo hơn trong việc giao vô lăng cho những đứa trẻ đang còn tuổi cắp sách đến trường.
Được trích từ video clip: https://www.youtube.com/watch?v=562aSs0DU08&t=1s